Bổ sung Vitamin D thế nào cho đúng?

Cơ thể cần vitamin D để hấp thụ canxi, để bé không bị còi xương – bệnh có thể gây ra dị tật xương về lâu dài và cản trở tăng trưởng hay gây ra bệnh loãng xương ở người lớn.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho rằng sử dụng vitamin D có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của bé và giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, tiểu đường và bệnh tim. Tuy nhiên các mẹ cũng cần lưu ý đến việc làm thế nào để bé có đủ lượng vitamin D cần thiết, tránh việc dư thừa vitamin D có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé

Giai đoạn mang thai

Phụ nữ mang thai chú ý bổ sung đầy đủ lượng vitamin D tự nhiên cho cơ thể nhất là vào giai đoạn 6 tháng cuối của thai kỳ. Các mẹ nên bổ sung vitamin D từ các nguồn thực phẩm tự nhiên như: trứng, sữa, gan, cá hồi, phô mai hoặc hấp thu trực tiếp từ ánh nắng mặt trời.

Khi bé chào đời:

Cần bổ sung vitamin D với hàm lượng: 10 mcg (hay 400 UI) mỗi ngày cho các bé sơ sinh bú mẹ hoàn toàn hay một phần. Bổ sung cho tới khi trẻ có chế độ ăn cung cấp đủ nhu cầu vitamin D (trẻ đã ăn dặm và có thể bố sung vitamin D qua đường thực phẩm hoặc trẻ uống sữa công thức có bổ sung vitamin D với lượng 1 lít/ngày). Với những trẻ sinh non, trẻ sống trong vùng lạnh, không có ánh nắng mặt trời liều lượng vitamin D có thể cao hơn nhưng cân phải theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Nếu bé bú loại sữa đã có bổ sung vitamin D thì không cần cho uống thêm vitamin D.

Tắm nắng mỗi ngày

Nguồn cung cấp vitamin D ở người chủ yếu là qua da. Da giúp cung cấp 80-85% nhu cầu vitamin D. Dưới tác dụng của tia cực tím, chất 7-déhydrocholestérol ở tuyến bã và lớp malpighi của biểu bì sẽ được chuyển thành vitamin D. Nếu được phơi nắng đầy đủ, sau 3 giờ, 1 cm2 da có thể sản xuất ra 18 UI vitamin D3.

Nên cho bé ở trần để da tiếp xúc trực tiếp với tia nắng mặt trời khoảng 30 phút mỗi ngày (tốt nhất là từ 7-8 giờ sáng). Để bé ở nơi kín gió, tránh để bé bị lạnh. Không cho bé tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10-14h.
Vào mùa đông, ánh nắng mặt trời không đủ tia cực tím, vì vậy dù có cho bé tiếp xúc với ánh nắng cũng không tổng hợp đủ vitamin D.

Bo_sung_vitamin_D_the_nao_cho_dung_new

Giai đoạn ăn dặm:

Vitamin D3 có trong các nguồn thức ăn động vật như gan cá (đặc biệt là cá thu, cá ngừ). Thịt, lòng đỏ trứng, bơ, sữa chỉ có một ít vitamin D. Các loại nấm, men, rau quả có chứa ergostérol, dưới tác động của tia cực tím cũng chuyển thành vitamin D2 có tác dụng như vitamine D3. Ngoài ra, chế độ ăn giàu chất béo cũng giúp hấp thu tốt vitamin D.

Cách bổ sung vitamin D tốt nhất cho trẻ là trực tiếp qua chế độ ăn.

Bé có thể bị thừa vitamin D không?

Có. Thừa vitamin D có thể gây buồn nôn, ói mửa, chán ăn, khát nhiều, đa niệu, táo bón, đau bụng, yếu cơ, đau cơ và khớp, lẫn lộn, mệt mỏi, thậm chí tổn thương thận. Chính vì vậy, theo tiến sĩ Linda M. Katz, trưởng bộ phận y khoa của trung tâm An toàn thực phẩm và dinh dưỡng ứng dụng của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), trẻ em không nên dùng vượt quá liều vitamin D hàng ngày.

Làm gì để tránh thừa vitamin D

  • Sử dụng đúng liều lượng theo hướng dẫn của thầy thuốc
  • Nên giữ sản phẩm kèm bao bì nguyên thuỷ để những người chăm sóc trẻ có thể đọc các thông tin cần thiết.
  • Sử dụng ống nhỏ giọt đúng cách và lấy đúng liều lượng. Chỉ dùng ống nhỏ giọt đính kèm theo sản phẩm. Nếu không thể xác định được liều thuốc bằng ống nhỏ giọt, liên hệ nhân viên y tế.
  • Nói rõ tình trạng dinh dưỡng của trẻ (bú mẹ hoàn toàn hay một phần) cho thầy thuốc biết trước khi cho trẻ sử dụng chế phẩm bổ sung vitamin D

Chúc các bé luôn khỏe mạnh !

X