Có nên cho trẻ bú kết hợp sữa mẹ và sữa bột?

Nhiều mẹ quyết định cho con bú thêm sữa công thức vì mẹ phải đi làm sau 6 tháng nghỉ sinh. Các mẹ khác lại thấy con bú không đủ no, không phát triển tốt như tiêu chuẩn…

Rất nhiều nguyên nhân khiến mẹ muốn bổ sung thêm sữa công thức cho con. Dù với nguyên nhân gì, việc cho trẻ bú kết hợp sữa mẹ và sữa bột công thức là điều an toàn và phù hợp.

Cho trẻ bú sữa bột có ảnh hưởng đến lượng sữa mẹ không?

Lượng sữa mẹ nhiều hay ít phụ thuộc vào nhu cầu của trẻ, trẻ càng bú nhiều sữa mẹ tiết ra càng nhiều. Khi trẻ bú sữa công thức nhiều hơn, bú sữa mẹ ít đi, ngực mẹ cũng sản xuất ít sữa hơn. Nếu trẻ chỉ bú 2 lần sữa công thức/tuần, sữa mẹ ít bị ảnh hưởng. Nếu trẻ bú sữa công thức 1 lần/1 ngày, lượng sữa mẹ sẽ giảm theo đáng kể.

Nếu bạn muốn giữ lượng sữa mẹ dồi dào ngay cả khi cho con bú bổ sung sữa công thức, bạn nên dùng máy hút sữa để kích sữa, sữa hút ra có thể cấp đông cho trẻ bú sau này.

Làm thế nào để biết trẻ đã bú đủ sữa mẹ?

Rất nhiều mẹ lo mình không đủ sữa cho con, nhưng thực tế phần lớn mẹ đều đủ sữa. Sau đây là 1 số cách để mẹ biết con đã bú đủ hay chưa.

Rất nhiều tã bẩn: đếm lượng tã cần thay mỗi ngày cho mẹ biết bé có bú đủ hay không. Trẻ thường tè sau khi bú, nếu trong 1 ngày số tã ướt của trẻ là sáu đến tám chiếc, 3-4 lần tã bẩn do ị nghĩa là trẻ đã bú đủ no.

(*) Nếu bạn chưa biết chắc được tã thế nào được coi là ướt cần thay thì hãy đổ 3 muỗng canh nước vào miếng tã khô, bạn sẽ có được cảm giác về trong lượng của nó.

Kiểm tra cân nặng vài lần trong ngày: nếu trẻ bú đủ no, trung bình mỗi ngày sẽ tăng từ 30-40gr, 1kg- 1,2 kg/tháng trong 3 tháng đầu tiên, 0,6 kg/tháng trong giai đoạn từ 3 tháng tới 6 tháng tuổi.

Số lần bú trong ngày: Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ ít nhất mỗi 2-3 giờ/ lần, hoặc 8-12 lần/ngày. Một số trẻ liên tục đòi bú nhiều lần hơn số cữ bú bình thường không có nghĩa là trẻ vẫn đói, đơn giản nhiều trẻ thích cảm giác gần gũi và ngậm ti mẹ.

Làm thế nào để biết trẻ cần bú thêm sữa bột?

Khi khám sức khỏe mẹ hãy hỏi bác sĩ về tình trạng phát triển của con, nếu cần thiết bác sĩ khuyên mẹ cần cho con uống thêm sữa công thức. Ngoài ra, các dấu hiệu sau cũng cho mẹ biết trẻ có cần uống thêm sữa công thức hay không:

Sụt cân nhiều hơn mức bình thường: trong 5 ngày đầu tiên khi chào đời, cân nặng của trẻ thường giảm 10% so với lúc mới sinh. Từ ngày thứ 6 trở đi, cân nặng trẻ tăng nhanh, mỗi ngày có thể tăng tới 40g, sau 2 tuần trẻ cần đạt lại cân nặng lúc mới sinh.

Bạn cảm thấy ngực vẫn căng sữa: ngực không mềm, chưa hết sữa, điều đó chứng tỏ con bạn bú được rất ít.

Vào 5 ngày tuổi, lượng tã ướt ít hơn 6 chiếc/ 24 giờ.

Thường xuyên thấy trẻ mệt mỏi, thờ ơ với xung quanh.

Khi nào có thể cho trẻ uống thêm sữa bột?

Trẻ 0-1 tháng tuổi cần bú sữa mẹ hoàn toàn, không cho trẻ bú sữa công thức trong giai đoạn 1 tháng. Bú mẹ liên tục trong tháng đầu tiên sẽ hình thành phản xạ bú mẹ tốt cho trẻ, sữa mẹ vì thế cũng dồi dào. Sau 1 tháng tuổi, mẹ có thể bắt đầu cho trẻ làm quen với sữa công thức, lúc này, thói quen bú mẹ đã được thiết lập, việc thỉnh thoảng uống thêm sữa bột không làm ảnh hưởng nhiều tới sữa mẹ.

Giúp trẻ làm quen với bú bình

Chắc chắn trẻ thích bầu vú mẹ hơn và sẽ gây khó dễ cho chiếc núm cao su trong lần đầu tiên. Trẻ càng phản kháng hơn nếu mẹ là người cho bú bình, vì trẻ ngửi thấy mùi của mẹ và chỉ muốn được ti mẹ mà thôi.

Để giúp trẻ làm quen với bú bình nhanh chóng hơn, bạn hãy nhờ người nhà cho trẻ bú bình trong những lần đầu. Thử cho trẻ bú bình với sữa mẹ trước, sau đó mới thay bằng sữa công thức. Trong những lần đầu tiên chỉ nên pha một ít sữa tránh lãng phí nếu trẻ không chịu bú.

Có nên trộn lẫn sữa mẹ và sữa bột?

Không nên trộn lẫn sữa mẹ và sữa công thức. Việc này làm lãng phí sữa mẹ nếu trẻ không bú hết bình. Tốt hơn, hút sữa mẹ ra bình cho trẻ bú trước, nếu trẻ còn đói mới cho bú thêm sữa bột.

Điều gì sẽ xảy ra khi trẻ đã quen với bú bình?

Khi số lần bú bình tăng lên, nhiều trẻ sẽ ngại bú mẹ, vì sữa trong bình chảy ra nhanh hơn, không phải nút mạnh như khi bú mẹ.

Số lần đại tiện giảm, do sữa bột khó tiêu hơn sữa mẹ

No lâu hơn sữa mẹ, ít đòi ăn hơn.

Phân cứng hơn, màu đậm, nặng mùi hơn so với khi bú mẹ hoàn toàn.

X