Vitamin A và cách bổ sung an toàn hợp lý
Vitamin A, hay còn gọi là retinol tồn tại trong tự nhiên gồm 2 dạng. Thứ nhất là retinol – dạng hoạt động của vitamin A, được đồng hoá trực tiếp bởi cơ thể. Dạng thứ hai là tiền vitamin A, được biết đến nhiều dưới tên bêta-caroten. Tiền chất này được chuyển hoá bởi ruột thành vitamin A để cơ thể có thể sử dụng.
Vai trò của vitamin A
Vitamin A có nhiều chức năng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các bộ phận cơ thể con người, như mắt (là một phần không thể thiếu đối với việc đảm bảo thị giác), da (kích thích quá trình phát triển của các biểu mô như mô sừng, ruột và các cơ đường hô hấp, kích thích sự liền sẹo và phòng ngừa các chứng bệnh của da), sự sinh trưởng (là yếu tố không thể thiếu đối với sự phát triển của phôi thai và trẻ em), sự phát triển của xương (thiếu vitamin A làm xương mềm và mảnh hơn bình thường, quá trình vôi hoá bị rối loạn), hệ thống miễn dịch (tham gia tích cực vào sức chống chịu bệnh tật của con người), chống lão hoá (kéo dài quá trình lão hoá do làm ngăn chặn sự phát triển của các gốc tự do), chống ung thư (hoạt động kìm hãm của nó với các gốc tự do cũng dẫn đến ngăn chặn được một số bệnh ung thư).
Thiếu vitamin A cơ thể sẽ ra sao?
Triệu chứng đầu tiên khi thiếu vitamin A chính là giảm sút thị lực vào buổi tối, hay còn gọi là bị quáng gà. Nếu không bổ sung vitamin A ngay thì khô da, rụng tóc, gãy móng tay sẽ lần lượt xuất hiện. Tình trạng thiếu hụt vitamin A tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến mất hẳn thị giác, bội nhiễm trầm trọng đường hô hấp do niêm mạc khí quản bị khô tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và phát tác.
Nguyên nhân dẫn đến thiếu vitamin A
Chế độ dinh dưỡng: Cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A mà phải lấy từ thức ăn, do vậy nguyên nhân chính gây thiếu vitamin A là do chế độ ăn nghèo vitamin A và beta-caroten. Nếu bữa ăn đủ vitamin A nhưng lại thiếu đạm và dầu mỡ cũng làm giảm khả năng hấp thu và chuyển hoá vitamin A.
Nhiễm khuẩn: Trẻ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là lên sởi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy và nhiễm giun đũa… sẽ gây thiếu vitamin A.
Suy dinh dưỡng: Sẽ kéo theo thiếu vitamin A vì cơ thể thiếu đạm để chuyển hoá vitamin A.
Nhiễm khuẩn và suy dinh dưỡng dẫn đến thiếu vitamin A, ngược lại, thiếu vitamin A sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn và suy dinh dưỡng. Như vậy sẽ tạo thành một vòng luẩn quẩn làm bệnh thêm trầm trọng dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
Nhưng thừa vitamin A thì thế nào?
Thiếu vitamin sẽ dẫn tới mù loà, chậm phát triển… nhưng thừa vitamin A cũng nguy hại không kém. Vitamin A được tích trữ lâu dài trong cơ thể, vì thế lạm dụng vitamin A có thể đưa đến tình trạng nhiễm độc với triệu chứng tổn thương ngoài da, viêm khớp, đau bắp thịt, nôn mửa, bơ phờ, chậm chạp, phù gai thị, bong da toàn thân và viêm gan. Ngộ độc có thể xảy ra khi uống trên 40.000 đơn vị quốc tế (UI) vitamin A mỗi ngày và gây đau xương khớp, rụng tóc, môi khô nứt nẻ, chán ăn, gan lách to. Đối với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, nếu dùng quá 10.000UI mỗi ngày có thể khiến thai nhi dị dạng. Beta caroten – một tiền tố của vitamin A có hoạt tính cao nhất – có thể làm vàng da, nhất là ở gan bàn tay, chân.
Mỗi ngày cần bao nhiêu đơn vị vitamin A?
Nhu cầu hàng ngày về vitamin A ở trẻ em là 400mcg và người trưởng thành là 600mcg. Phần lớn thì mức hấp thu dưới 25.000IU (tương đương 7.500mcg) vitamin A mỗi ngày là an toàn. Tuy nhiên, người trên 65 tuổi hoặc mắc bệnh gan thì không vượt quá 15.000 IU/ngày, trừ phi có chỉ định của bác sĩ. Đối với phụ nữ mang thai, mức hấp thu tối đa vẫn đang được đánh giá lại, song dưới 10.000IU (3.000mcg) mỗi ngày là an toàn.
Thực phẩm giàu vitamin A
Nguồn cung cấp vitamin A chủ yếu là thực phẩm có nguồn gốc động vật như: gan, cá biển, bơ, sữa, trứng… và từ các loại rau, củ, quả có màu vàng và màu đỏ. Một số thực phẩm sau rất giàu vitamin A và beta-caroten: gan gà, cà rốt, gan lợn, đu đủ chín, trứng vịt lộn, rau ngót, lươn, rau dền…
Vitamin A lấy từ động vật có thể đảm nhiệm tốt các vai trò đối với sự sống, nhưng lại không có khả năng phòng chống ung thư và xơ hoá tế bào, vì chỉ có beta-caroten mới có chức năng đó. Beta-caroten lại chỉ có ở rau củ như rau dền, cà rốt, súp lơ xanh, bí đỏ, cà chua, đu đủ, gấc, dưa hấu, khoai lang… Nhu cầu về beta-caroten của cơ thể trung bình vào khoảng 25.000IU/ngày.
Phòng chống thiếu vitamin A như thế nào?
Ăn uống đủ chất: Thời kỳ mang thai và cho con bú bà mẹ cần ăn đủ chất, chú ý thức ăn giàu vitamin A, caroten, đạm, dầu mỡ. Khi trẻ ăn bổ sung, bữa ăn cần có đầy đủ chất dinh dưỡng và chú ý tới các thực phẩm giàu vitamin A.
Bổ sung vitamin A dự phòng. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin A phải tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ, vì nếu dùng không đúng liều sẽ rất nguy hiểm, có thể dẫn đến làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp và tiêu hoá, gây mất tổ chức xương và có nguy cơ tăng lượng cholesterol xấu.
BS. Cẩm Nga – skđs