10 sai lầm khi cho con ăn dặm khiến con càng ăn càng còi cọc
Ăn dặm là bước ngoặt cho sự phát triển thế chất và trí tuệ của bé. Ăn dặm quan trọng không chỉ vì cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ, mà giai đoạn này còn có ý nghĩa đinh hướng vị giác, thói quen ăn uống khi trưởng thành. Trong khi nhiều mẹ cho con ăn dặm rất thành công, con ăn ngon miệng và tăng cân tốt, thì một số mẹ lại chật vật mãi mới đút được cho con thìa bột, và bữa ăn trở thành nỗi sợ của cả mẹ và con. Sau đây là 9 sai lầm phổ biến nhất mà mẹ hay mắc phải
1. Cho con ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn
Thời điểm tốt nhất để bắt đầu ăn dặm là khi trẻ được 4-6 tháng tuổi. Ăn dặm trước 4 tháng là quá sớm, hệ tiêu hóa của trẻ chưa thể tiêu hóa được thức ăn thô, hậu quả là trẻ dễ bị tiêu chảy, suy dinh dưỡng. Ăn dặm sau 6 tháng là quá muộn, lúc này nhu cầu dinh dưỡng trong cơ thể tăng cao, chỉ uống sữa là không đủ đáp ứng, ăn dặm quá muộn có thể gây thiếu máu, thiếu kẽm và vi chất khác.
Từng đứa trẻ khác nhau có nhịp phát triển khác nhau, thời điểm thích hợp để bắt đầu ăn dặm cũng khác. Mẹ hoàn toàn có thể nhận ra thời điểm phù hợp khi quan sát thấy trẻ có các biểu hiện sau:
– Có thể ngẩng đầu cao
– Ngồi vững
– Chóp chép miệng như đang nhai
– Tăng cân trông thấy (cân nặng tháng thứ 4 gấp đôi khi mới sinh)
– Có vẻ thích thú với thức ăn
– Dễ dàng ngậm 1 chiếc thìa nhỏ
– Có thể dùng lưỡi đảo thức ăn trong miệng từ ngoài vào trong
– Có vẻ đói sau khi ăn 8-10 cữ sữa mẹ hoặc 6-8 cữ sữa công thức/ngày
– Đang mọc răng
2. Nóng vội khi cho con ăn dặm
Nóng vội, bỏ qua giai đoạn tập làm quen với thức ăn, muốn con ăn thật nhiều ngay từ đầu nên ép làm trẻ sợ thức ăn dẫn tới biếng ăn. Thấy bé thích ăn lại cho ăn thật nhiều cũng không nên. Mẹ nên nhớ, ăn dặm là một nhiệm vụ mới mẻ với trẻ. Trẻ đang từ uống sữa (chất lỏng) phải chuyển sang thức ăn thô với mùi vị lạ lẫm, vì vậy, nhất định phải có thời gian làm quen với thức ăn thô. Khi mới cho trẻ tập ăn dặm, mẹ hãy bắt đầu bằng món trái cây (lê, táo) hấp chín và nghiền nhuyễn. Ngày đầu tiên cho trẻ ăn 1 thìa hoa quả nghiền, sau đó, nếu thấy trẻ hợp tác, mẹ tăng số lần ăn vào ngày tiếp theo: mỗi lần 1 thìa, ngày 2 thìa.
3. Không kiên trì khi cho con ăn dặm
Bỏ cuộc khi thấy trẻ có một vài dấu hiệu ăn ít hay từ chối thức ăn, không tiếp tục cho con tập ăn nữa mà lại quay trở về với sữa, lâu ngày khiến trẻ bị thiếu vi chất. Thực ra, từ chối thức ăn là phản xạ bình thường của trẻ với thức ăn lạ. Nếu lần đầu tiên trẻ không chịu ăn, mẹ hãy dừng 2-3 ngày rồi mới tập tiếp, cần kiên trì cho con tập ăn không ngắt quãng mới đạt hiệu quả.
4. Quá cầu kỳ trong chế biến
Các mẹ có xu hướng đọc sách báo, lên mạng hỏi nhau… tìm thức ăn nào “đại bổ” (lương, ếch, yến sào…), làm phức tạp cầu kì mà con không ăn đâm ra stress. Thật ra trẻ ăn dặm chỉ cần đơn giản nhưng đủ 4 nhóm đạm, béo, tinh bột, rau xanh. Quan trong là kết cấu bữa ăn hài hòa giữa 4 nhóm, không thiếu, không thừa. Ăn nhiều đạm thiếu rau dễ khiến táo bón ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe của trẻ.
5. Uống quá nhiều sữa
Tùy lứa tuổi, tùy cân nặng mà tính lượng sữa đủ, ăn dặm đủ, vừa ép ăn, vừa ép bú làm trẻ sợ cả hai.
6. Uống quá ít sữa
Ngược lại với sai lầm số 5, nhiều mẹ khi bắt đầu cho con ăn dặm lại giảm luôn lượng sữa cần phải có đủ trong ngày cho bé, với lý do: uống sữa nhiều thì bụng đâu mà ăn cháo/bột. Thực tế là bé dưới 1 tuổi vẫn cần sữa cho bữa chính, bột/cháo chỉ là bữa phụ. Dưới 1 tuổi, bé chỉ được uống sữa mẹ hoặc sữa bột.
Các mẹ nên nhớ, bé 5 tháng tuổi cần 1.200 – 1.400 ml sữa mỗi ngày. Lên 6 tháng, bắt đầu tập ăn dặm, nhưng cũng cần uống lượng sữa từ 1.200 – 1400 ml sữa mỗi ngày, còn ăn dặm chỉ là vài muỗng nhỏ “tập sự”. Trẻ 8 tháng tuổi ngoài ăn dặm phải uống từ 900ml – 1200ml sữa và 10 tháng tuổi vẫn cần uống từ 700ml – 1.000 ml sữa mỗi ngày. Lượng sữa này có thể ít hay nhiều tùy nhu cầu của từng bé.
7. Thêm mắm, muối vào đồ ăn
Khẩu vị của trẻ không giống của người lớn, hơn nữa, thận của trẻ còn yếu không thể tiêu hóa được muối. Nếu mẹ nêm mắm muối vào bột cho “vừa miệng”, chắc chắn sẽ khiến thận của trẻ phải làm việc quá tải, rất hại thận. Lượng muối có sẵn trong thực phẩm là đủ cho trẻ.
8. Thay đổi món liên tục
Tâm lý của các mẹ là đổi món liên tục để con đỡ ngán. Thực ra, điều này là không đúng với trẻ dưới 1 tuổi vì đa số trẻ không thích thức ăn lạ, dẫn đến sợ ăn. Khi cho trẻ ăn một thức ăn mới, cần cho ăn liên tục trong 3 hôm để thử xem trẻ có bị dị ứng với loại thức ăn đó không, sau đó mới chuyển sang thức ăn mới.
9. Bổ sung thịt/cá quá sớm cho bữa ăn
Cho con ăn bột mặn hoặc cháo kèm theo thịt, cá, trứng… xay nhuyễn quá sớm (từ tháng thứ 6) sẽ khiến trẻ khó hấp thu, dẫn đến bé bị đầy bụng, khó tiêu, cảm thấy khó chịu, khóc, nhè, nôn trớ hoặc đi phân sống cả tuần, tiêu chảy… đó là những phản kháng tự nhiên của cơ thể. Ngoài những triệu chứng trên, nếu mẹ cho bé ăn mặn quá sớm sẽ làm tăng nguy cơ bé mắc chứng biếng ăn ở trẻ.
Vậy khi nào bé có thể ăn thêm thịt, cá? Mẹ chỉ nên cho bé ăn các thức ăn nhiều đạm như thịt, cá, trứng… khi bé trên 8 tháng tuổi. Quy tắc là cho bé ăn từng ít một, xen kẽ các bữa mặn-ngọt và cho bé ăn bột mặn vào buổi sáng để bé dễ tiêu hóa.
10. Cách cho ăn phản khoa học
Vừa ăn vừa xem TV, bế đi ăn rong, quát mắng ép ăn đều là cách ăn dặm sai lầm. Bữa ăn kéo dài quá cũng không tốt, bữa ăn chỉ nên gói gọn trong tối đa 30p, sau 30p dịch vị dạ dày không tiết ra nhiều nữa, trẻ ăn cũng không thấy ngon miệng.
Bạn có mắc sai lầm nào trong 10 sai lầm phổ biến kia không? Hãy nhớ, không có trẻ bẩm sinh đã biếng ăn, nguyên nhân chính của trẻ biếng ăn là do cha mẹ mắc sai lầm khi cho con ăn dặm. Biếng ăn- chậm lớn- còi cọc- biếng ăn là cái vòng luẩn quẩn, một vì trẻ đã mắc phải thì rất khó khắc phục. Vì vậy, ngay từ đầu hãy học cách cho con ăn đúng để hình thành thói quen ăn uống tốt trong tương lai.